Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

Đề xuất về khoán tiền điện thoại của lãnh đạo

Nội dung nêu trên được đưa ra ra tại dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi), vừa được Bộ trưởng Tài chính - Đinh Tiến Dũng thừa uỷ quyền Chính phủ trình bày trước Quốc hội sáng 31/10. 

Sau ôtô công, một số chi phí khác như tiền điện thoại công vụ tại nhà riêng, điện thoại di động… sẽ được đưa vào diện khoán kinh phí

Theo đó, ngoài việc khoán kinh phí sử dụng tài sản với nhà, xe công, dự thảo cũng đưa một số tài sản công như điện thoại công vụ tại nhà riêng, điện thoại di động và các tài sản khác vào diện khoán kinh phí. 

"Khoán kinh phí là phương thức được ưu tiên khi có nhu cầu sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chỉ khi không áp dụng được phương thức khoán mới áp dụng các phương thức khác”, Bộ trưởng Tài chính nêu điểm mới.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung một số hình thức mới trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản công như áp dụng hình thức đối tác công - tư (PPP) khi đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cho phép ghi giảm tài sản do nguyên nhân bất khả kháng...
de-xuat-khoan-tien-dien-thoai-cua-lanh-dao
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) tại Quốc hội sáng 31/10. Ảnh: Quốc hội
Thẩm tra dự luật, Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nêu việc Bộ trưởng Tài chính được giao thẩm quyền xác định mức khoán kinh phí sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, thực tế việc khoán và mức khoán với các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và một số cơ quan của Quốc hội lại do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định. "Do đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, rà soát điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và hệ thống luật”, Uỷ ban Tài chính ngân sách đề xuất.
Ngoài ra, dự luật lần này cũng quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Nhà nước theo mức độ thiệt hại thực tế nếu người sử dụng có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Mức độ xử lý với người để thất thoát có thể là kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc cao nhất là truy cứu trách nhiệm hình sự .
Nêu thực tế tình trạng sử dụng tài sản công hiện nay tại nhiều địa phương, bộ, ngành không mấy hiệu quả, dẫn tới tình trạng đắp chiếu, chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nhấn mạnh sự cần thiết khi quy trách nhiệm, bồi thường thiệt hại khi sử dụng tài sản công lãng phí.
“Sự lãng phí còn nguy hiểm hơn tham ô, tham nhũng”, ông Sỹ Cương nói. Vị đại biểu tỉnh Ninh Thuận cũng cho rằng, dự luật cần đưa ra cơ chế và mức độ bồi thường cụ thể hơn để đảm bảo tính chặt chẽ, hiệu quả khi thực thi.
Tài sản Nhà nước hơn một triệu tỷ đồng
Theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước, tổng giá trị tài sản Nhà nước đến 31/7/2016 là hơn 1 triệu tỷ đồng, trong đó tại các cơ quan nhà nước là hơn 281.000 tỷ đồng, tại các đơn vị sự nghiệp hơn 718.500 tỷ đồng, tại các tổ chức hơn 37.600 tỷ đồng; các ban quản lý dự án gần 3.200 tỷ đồng.
Bộ trưởng Tài chính nhận xét, tài sản nhà nước có phạm vi rất rộng, tuy nhiên công tác quản lý lại bị buông lỏng trong thời gian dài, hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, chưa theo kịp với yêu cầu quản lý; chế tài xử lý vi phạm còn thiếu và thực hiện chưa nghiêm.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế, tổng giá trị tài sản công của mỗi quốc gia thông thường có quy mô bằng 4 lần GDP của quốc gia đó. Ở Việt Nam, tổng giá trị tài sản công còn có thể lớn hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét